Đề bài: Cảm nhận về 9 câu thơ đầu bài thơ Đất Nước.
Bài làm
Cảm nhận về 9 câu thơ đầu bài thơ Đất Nước – Đất nước là một trong những nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca. Mỗi nhà thơ lại có những cách thể hiện riêng biệt tạo nên sự đa dạng phong phú cho đề tài về đất nước. Trong đó Nguyễn Khoa Điềm đã cho chúng ta thấy được những cảm nhận về đất nước từ cái nhìn tổng hợp theo chiều dài lịch sử, văn hóa cũng như cuộc sống đời thường của dân tộc. Điều đó được thể hiện trong bài thơ Đất Nước mà tiêu biểu là chín câu thơ đầu của đoạn trích.
Bài thơ Đất Nước được trích từ trường ca “Mặt đường khát vọng”. Ra đời trong hoàn cảnh không khí đấu tranh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đang khốc liệt vào cuối năm 1971. Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” đã chi phối cách nhìn và cách nghĩ của nhà thơ, tạo cho nhà thơ cách nhìn, khám phá mới về đất nước. Dù trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt và có rất nhiều bài thơ đã nói về đề tài này nhưng bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm vẫn mang những nét riêng biệt, có được chỗ đứng riêng và khẳng định được vai trò trong văn chương hiện đại.
Cảm nhận về 9 câu thơ đầu bài thơ Đất Nước
Có thể nói chín câu thơ đầu của đoạn trích là một trong những phần hay nhất. Từ cái nhìn gần gũi, thân quen, Nguyễn Khoa Điềm đã cho ta thấy cảm nhận về sự gắn liền giữa đất nước với cuộc sống bình dị của con người:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “Ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bà ăn bây giờ
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.”
Những câu mở đầu đoạn trích rất tự nhiên và sâu lắng. Cho chúng ta thấy được những điều giản dị nhưng cũng rất đỗi thiêng liêng. Rõ ràng Đất Nước không phải cái gì to tát, lớn lao, kì vĩ mà là từ những thứ bình dị, gần gũi, có thể là bất cứ thứ gì ta bắt gặp trong cuộc sống thường ngày. Để trả lời cho câu hỏi: “Đất nước có từ khi nào?” thì tác giả đưa ra lời đáp không chỉ ở một khía cạnh về thời gian, thời điểm cụ thể mà còn bằng những phong tục dân gian. Một thế giới cổ tích xưa như ùa về trong lòng độc giả. Hóa ra Đất Nước lại gần gũi, thân thương đến vậy. Là những truyền thuyết về vị anh hùng Thánh Gióng. Nếu xưa kia nhân dân là Tấm Cám, Sọ Dừa, là Thạch Sanh thì ngày nay nhân dân là những người gần gũi, thân quen với chúng ta, là những bà, những mẹ.
Chắc hẳn chúng ta đã từng nghe “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Thật vậy trong phong tục văn hóa dân gian của dân tộc ta thì miếng trầu là thứ không thể thiếu trong những cuộc nói chuyện, trầu cau trong đám hỏi. Nhắc tới miếng trầu còn gợi nhớ về câu chuyện cổ tích “Sự tích trầu cau” nói về sự ra đời của tục lệ ăn trầu. Nguyễn Khoa Điềm nhắc tới tục ăn trầu không nhằm nói rằng Đất Nước có trong một tục lệ mà muốn nói đến tất cả những phong tục văn hóa lâu đời, mang những nét bản sắc riêng của dân tộc để tạo thành một Đất nước muôn hình muôn vẻ ngày nay.
Một đất nước sẽ có rất nhiều những truyền thống đã và đang được gìn giữ, phát huy mà một trong số đó là truyền thống yêu nước: “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”. Câu thơ đã gợi cho chúng ta liên tưởng về truyền thuyết Thánh Gióng. Vị anh hùng mới lên ba đã xin đi đánh trận và nhổ tre Ngà để “quét” sạch quân xâm lược. Cũng từ ấy Thánh Gióng trở thành biểu tượng cho tuổi trẻ Việt Nam kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm. Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc có biết bao vị anh hùng ghi danh sử sách như: Phan Đình Giót, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi…. Cùng với đó là hình ảnh cây tre quen thuộc với xóm làng, với người dân Việt Nam. Tre là biểu tượng cho con người Việt Nam: thật thà, ngay thẳng, thủy chung và yêu hòa bình.
Từ những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết rồi đến với truyền thống của dân tộc thì Nguyễn Khoa Điềm lại tiếp tục nói đến những khía cạnh khác tạo nên Đất Nước đó chính là những vẻ đẹp mang tính thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt:
“Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”
Tất cả là những vẻ đẹp gần gũi mà giản dị của con người Việt và trong đời sống của chúng ta. Vẻ đẹp của người phụ nữ “Tóc mẹ bới sau đầu” rồi đến đạo lý ân nghĩa thủy chung giữa vợ với chồng. Đạo lí ấy còn được ông cha ta sáng tạo thành câu ca dao quen thuộc:
“Tay bưng đĩa muối chén gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quen nhau”
Bên cạnh đó thì tác giả còn gợi nhớ đến hình ảnh quen thuộc trong ngôi nhà cổ của người việt xưa đó là “cái kèo, cái cột”. Và truyền thống lao động sản xuất, chịu thương chịu khó của dân tộc khi nhắc về hạt gạo.
Cuối cùng từ việc nhắc đến các hình ảnh quen thuộc thì Nguyễn Khoa Điềm đã đúc kết thành kết luận “Đất Nước có từ ngày đó”. Tất cả những hiểu biết được đưa ra rất đỗi tự nhiên và bình dị. Tác giả đã đem đến một hình ảnh về Đất Nước không phải cái gì đó to lớn xa vời mà chính là những điều gần gũi, bình dị nhưng lại rất tươi đẹp. Qua đó gợi nhớ cho chúng ta về những kỷ niệm và thêm yêu, tự hào về Đất Nước.
Mai Du