Đề bài: Cảm nhận về bài thơ Sóng.

Bài làm

Cảm nhận về bài thơ Sóng – Trong thơ ca bên cạnh đề tài, chủ đề về thiên nhiên, đất nước thì tình yêu cũng là một trong những nguồn cảm hứng vô tận. Những thứ tình cảm giữa con người với con người làm cho cuộc sống bớt nhạt nhẽo mà trở nên thi vị hơn, trong đó có tình yêu. Không ít những nhà thơ lấy đó là nguồn cảm hứng cho những sáng tác của mình và Xuân Quỳnh cũng là một trong số đó. Bài thơ Sóng cho chúng ta thấy được một tình yêu chân thành nhưng không kém phần cháy bỏng.

Tình yêu là một thứ mà chúng ta khó lòng định nghĩa, nắm bắt trọn vẹn được. Có biết bao nhà thơ ví tình yêu với nhiều thứ trên đời để dễ hình dung, với Xuân Quỳnh tình yêu giống như con Sóng vậy và bà cũng đã lấy chính hình tượng đó làm nhan đề cho bài thơ. Ngay ở khổ đầu tiên của bài thơ tác giả đã cho thấy tâm trạng băn khoăn, bất ổn của mình:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

cam nhan ve bai tho song - Cảm nhận về bài thơ Sóng

Cảm nhận về bài thơ Sóng

Chúng ta có thể thấy rõ được Xuân Quỳnh đã đưa ra hai trạng thái đối ngược nhau của chủ thể. Đó là “dữ dội”, “ồn ào” với “dịu êm”, “lặng lẽ”, nó giống như trạng thái không ổn định của tình yêu, là tính ách đan xen của người phụ nữ trong tình yêu. Bên cạnh đó còn thể hiện khát vọng tìm tòi bởi “không hiểu nổi mình”, khát vọng hòa mình vào biển lớn.

Xem thêm:  Phân tích tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân

Từ câu hỏi về bản thân, tác giả đã thực hiên cuộc hành trình đi tìm hiểu, tìm tòi căn nguyên của những cung bậc cảm xúc thất thường đó mà qua việc tìm hiểu về sóng:

“Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau?”

Đi tìm hiểu Xuân Quỳnh lý giải được quy luật tự nhiên và mối quan hệ giữa sóng và gió. Tuy nhiên nhà thơ lại không thể giải thích được “Gió bắt đầu từ đâu” hay chính là tình yêu, tình cảm đối với người khác bắt đầu từ đâu cả. Từ đó bà đã thốt lên rằng “em cũng không biết nữa”, một câu thơ như thể hiện sự thoảng thốt, bối rối vì không thể lý giải được. Qua đó còn là nỗi lòng trăn trở của nhà thơ khi loay hoay đi tìm định nghĩa về tình yêu, về nguồn cội của nó. Trước tình cảnh bấy giờ Xuân Quỳnh chỉ biết thốt lên một câu hỏi: “Khi nào ta yêu nhau?”.

Nếu Xuân Diệu khi định nghĩa về tình yêu mang một màu sắc nhẹ nhàng, đơn giản:

“Đố ai định nghĩa được tình yêu

Có khó gì đâu một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt

Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”

Thì Xuân Quỳnh vốn tâm tư của một người phụ nữ không hời hợt mà sâu sắc, cháy bỏng yêu thương:

“Trước muôn trùng sóng bể

Em vẫn nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên”

Với nhà thơ thì tình yêu đích thực luôn vượt qua thời gian và không gian, tình yêu sống mãi với thời gian. Trước “muôn trùng sóng bể” hay chính là tất cả những khó khăn, những chướng ngại vật trong tình yêu nhưng chủ thể trữ tình “em” vẫn vượt qua nó để nghĩ về “anh”. Điệp từ “em nghĩ” càng thêm nhấn mạnh nỗi băn khoăn, thao thức để tìm tòi, để đặt ra những câu hỏi nhằm hiểu hơn về tình yêu. Bởi xưa nay nhiều người chỉ biết yêu, yêu đến mù quáng, yêu mà quên mất chính bản thân mình, không có suy nghĩ cho riêng mình. Xuân Quỳnh nhắc đến nhiều vấn đề để “nghĩ” chính là sự khẳng định về cách thể hiện tình yêu của mình, trong tình yêu cần có thời gian ngẫm lại, suy nghĩ. Nghĩ không chỉ về người mình yêu mà còn với chính bản thân mình. Điều này được thể hiện trong hai cặp hình ảnh sóng đôi nhau đó là “anh” với “em” và “biển” với “sóng”.

Xem thêm:  Em hãy phân tích ý nghĩa nhan đề tác phẩm Rừng xà nu, tác giả Nguyễn Trung Thành

Ai đã từng yêu, từng nghe nói về tình yêu chắc hẳn sẽ biết rằng tình yêu càng thêm nồng nàn, sâu đậm chính bằng nỗi nhớ. Nỗi nhớ, những mong đợi về người mình yêu luôn thường trực mọi nơi, mọi lúc, là những nỗi nhớ cồn cào, da diết:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

Nỗi nhớ được ví như những con sóng triền miên, vô tận. Sóng không yên một chỗ mà xuất hiện ở rất nhiều nơi. Con sóng “trên mặt nước” giống như những nỗi nhớ được biểu hiện trực tiếp ra bên ngoài còn “Con sóng dưới lòng sâu” thì như nỗi nhớ thầm kín, sâu lắng không muốn cho ai biết. Con sóng nhớ tới bờ còn em thì nhớ tới anh, nhớ đến thao thức, không ngủ được. Tiếp đó còn là lời khẳng đinh “hướng về anh” trong mọi hoàn cảnh, ngược xuôi, qua đó khẳng định sự thủy chung, son sắt.

Trong khổ thơ cuối giống như một lời tổng kết về tình yêu, là khát vọng được thổi bùng lên tình yêu, khát vọng được yêu và tình yêu ấy bền vững đến ngàn năm:

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”

Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh như một lời tuyên ngôn về tình yêu, nó khắc họa tâm trạng và nỗi nhớ của người con gái đang yêu. Qua đó cho thấy khát vọng về tình yêu và sự kiếm tìm nguồn gốc, nơi xuất phát của tình yêu trong cuộc sống của mỗi người.

Xem thêm:  Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Tâm tư trong tù của Tố Hữu: Cô đơn thay là cảnh thân tù!... Nghe lạc ngựa rùng chăn bên giếng lạnh, Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về…

Mai Du