Đề bài: Cảm nhận về bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Bài làm

Con người ta một khi đã nhớ thì không thể nào che giấu được cảm xúc của mình. Nỗi nhớ thường bật ra thành tiếng khi nó đã lên tới đỉnh điểm. Nhà thơ Quang Dũng, một người chiến sĩ của binh đoàn Tây Tiến năm nào cũng đã nhớ về đơn vị, nhớ về những người đồng đội cũ và nhớ về nơi mình đã từng đóng quân sau khi ông rời xa họ. Nỗi nhớ ấy hiện hữu trong lòng và bật lên thành bài thơ Tây Tiến. Bài thơ giống như một cuốn hồi ức mà qua đó tác giả đã đưa người đọc về với Tây Bắc gió ngàn, được cùng sống, cùng chiến đấu với những anh lính cụ Hồ. Đây cũng là một nhân chứng lịch sử về sự tàn khốc của chiến tranh.

Binh đoàn Tây Tiến là một đơn vị quân đội được thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Việt – Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào và miền Tây Bắc Việt Nam. Quang Dũng đã từng là một chiến sĩ trong binh đoàn ấy. Đa phần trong số họ đều là những thanh niên Hà Nội vừa mới rời ghế nhà trường. Trong bài thơ, ta thấy được những gian khổ, thiếu thốn về vật chất, thuốc men, rồi còn bị căn bệnh sốt rét rừng hoành hành nhưng những người lính Tây Tiến vẫn có một tinh thần lạc quan và chiến đấu vô cùng dũng cảm. Họ lên đường ra chiến trận, mang theo cả một baafi trời mộng mơ, lãng mạn.

cam nhan ve bai tho tay tien - Cảm nhận về bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Cảm nhận về bài thơ Tây Tiến

Khi khắc họa chân dung người lính Tây Tiến, Quang Dũng đã lột tả được những nét gân guốc nhất:

Xem thêm:  Cảm nhận về bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Hình ảnh người lính không mọc tóc là minh chứng rõ rệt tố cáo tội ác của chiến tranh. Lý do không mọc tóc là vì căn bệnh sốt rét rừng hoành hành. Thuốc men không có, điều duy nhất người lính có thể làm là chịu đựng. Để rồi màu da của họ xanh như lá vì ốm đau bệnh tật. Ở cái nơi mà sự sống và cái chết cách nhau có 1 tích tắc, người lính vẫn giữ cho tâm hồn mình nồng đượm yêu thương:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Thông qua hai từ mộng và mơ ta thấy được ước vọng và điểm đến cuối cùng của đời người lính Tây Tiến. Tận sâu trong đáy lòng của người lính, họ mong ước được trở về quê nhà để đoàn viên với người thân, để được gặp lại người con gái mà họ thương. Trong những năm tháng bom đạn ác liệt ấy, hình ảnh dáng kiều thơm đã trở thành điểm tựa cho những người lính có thêm sức mạnh để chiến đấu và quyết tâm cho một ngày mai chiến thắng.

Người lính Tây Tiến sống anh dũng mà hi sinh cũng anh dũng. Đứng trước cái chết, họ trở nên oai phong hơn. Họ sẵn sàng đối diện nó chứ không hề né tránh nó:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Dù không nói đến từ chết nhưng câu thơ miêu tả về sự hi sinh của người lính lại vô cùng chân thực. Nhà thơ Quang Dũng đã miêu tả người lính hi sinh mà vẫn trong tư thế chiến đấu. Rồi thì sự hi sinh của họ chỉ là tạm thời nghỉ chân. Rồi thì con người sinh ra từ cát bụi nay lại được trở về với cát bụi. Đó là sự hài lòng, mãn nguyện của con người đã dành cả đời mình cống hiến cho Tổ quốc. Cho dù họ ngã xuống nhưng tâm hồn và ước nguyện của họ vẫn còn đó với thời gian. Sẽ có những người khác tiếp nối ngọn lửa nhiệt huyêt trong họ và thay họ bước tiếp con đường cách mạng này.

Xem thêm:  Cảm nhận về bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

Thông qua những dòng thơ của Quang Dũng ta không chỉ thấy hình ảnh người lính hiên ngang anh dũng mà còn thấy hình ảnh của một Tây Bắc hoang sơ, hùng vĩ:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Hai câu thơ miêu tả thiên nhiên Tây Bắc quá hùng vĩ khiến người đọc có thể tưởng tượng ra khung cảnh núi cao đâm lên tận mây xanh. Dường như con người khi đứng trên đỉnh núi có thể với tay chạm vào mây xanh, bước đi trên núi mà như là đi trên mây. Thế cho nên hình ảnh nhân hóa súng ngửi trời mới ra đời. Hình ảnh này khiến chúng ta liên tưởng tới hình ảnh đầu súng trăng treo trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.

Vẻ đẹp của Tây Bắc không chỉ được cảm nhận ở chiều cao và chiều sâu mà còn được cảm nhận ở chiều rộng:

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Trong màn mưa, từng nếu nhà hiện lên thấp thoáng phía xa xa gợi lên cho người đọc những nét gần gũi, thân thuộc. Chúng vừa mờ, vừa tỏ, thấp thoáng sau màn sương. Ở nơi ấy, nhìn thì có vẻ lãng mạn vậy thôi chứ đầy rẫy những nguy hiểm. Nguy hiểm không chỉ đến từ đạn địch, từ địa hình hiểm trở mà còn đến từ những con thú dữ:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Đọc hai câu thơ lên, có thể nhiều người sẽ thấy sợ hãi rợn người. Nơi rừng thiêng nước độc ấy, tính mạng treo trên sợi tóc nhưng người lính không hề nản chí. Họ đã ngang tàn và coi thường thử thách. Nhớ về những năm tháng nơi Tây Bắc, Quang Dũng không chỉ nhớ về những gian khó mà còn nhớ về những bữa cơm ấm nóng tình người, tình đồng đội, nhớ về những đêm văn nghệ đốt lửa đầy kỉ niệm. Câu thơ Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói gợi ra cảm xúc sâu lắng. Rồi hình ảnh Mai Châu mùa em thơm nếp xôi cũng gợi lên hương vị của tình người.

Xem thêm:  Phân tích khổ thơ cuối bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng - Văn mẫu lớp 12

Bài thơ Tây Tiến đưa người đọc trở về với một quá khứ hào hùng xa xưa, giúp ta có những giây phút đắm chìm trong nỗi nhớ của tác giả. Qua đây ta hiểu hơn về một thời oanh liệt của lịch sử dân tộc và thêm yêu những người chiến sĩ vĩ đại.

Thu Thủy

Topics #bài thơ Tây Tiến #cảm nhận bài thơ Tây Tiến #cảm nhận về bài thơ Tây Tiến #văn cảm nhận