Đề bài: Giải thích câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.
Bài làm
Trong cuộc sống để sống đẹp, sống ý nghĩa không phải một chuyện dễ dàng những cũng không có nghĩa là không thể. Nhất là giữa xã hội phức tạp, môi trường chứa nhiều cám dỗ và những góc khuất nhưng vẫn đâu đó có những người giữ mình trong sạch, không bị ảnh hưởng bởi những điều đó. Chính vì thế dân gian có câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.
Trước hết chúng ta có thể thấy câu tục ngữ gồm hai vế đối lập để bổ sung và hỗ trợ cho nhau. “Đói cho sạch” tức là dù trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói nhưng cũng phải ăn uống đảm bảo vệ sinh để đảm bảo sức khỏe và hình thành thói quen tốt. Tuy nhiên nếu ý nghĩa chỉ có vậy thì tục ngữ không thể nào là trí tuệ của người xưa được. “Đói” là để chỉ hoàn cảnh thiếu thốn, nghèo khổ của con người mà “sạch” ở đây còn mang một lớp nghĩa khác đó là chỉ tâm hồn, suy nghĩ và nhân cách trong sạch, lành mạnh. Dù đang phải đối mặt với sự khó khăn, nghèo túng nhưng quyết không vì thế mà bán rẻ lương tâm, làm những chuyện trái với luân thường, đạo lý. “Rách cho thơm” với nghĩa đen nhằm nói rằng dù quần áo chúng ta mặc thiếu thốn, rách nát nhưng cũng không được để bẩn mà phải sạch sẽ, thơm tho. Tương tự như vế thứ nhất thì “rách” vẫn là ám chỉ hoàn cảnh của con người mà “thơm” là vẻ đẹp về nhân cách, về hành động của một người dù túng quẫn nhưng vẫn giữ mình thanh sạch, không bị nhiễm bụi trần.

Thực tế cuộc sống luôn có sự phân chia, phân hóa giàu nghèo. Ngay ở một thành phố giàu có, tráng lệ nhất thì vẫn có những khu tối tăm, lụp xụp nơi mà những tầng lớp lao động, nghèo khổ cư ngụ. Sống trong hoàn cảnh tăm tối, nghèo đói nhưng rất nhiều người giữa được tấm lòng trong sạch. Họ là những người lao động cần mẫn để mưu cầu no đủ, hạnh phúc một cách chính đáng. Họ có thể nghèo về của cải vật chất nhưng lại giàu về tình yêu thương, về nhân cách. Chúng ta chắc hẳn đã bắt gặp không ít những người công nhân, người lao công trong những giờ nghỉ ngơi dù cầm trên tay những cốc nước, những mẩu bánh mì nhưng nụ cười vẫn luôn giữ trên môi. Dù công việc với tiền lương ít ỏi nhưng họ sẵn lòng giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, quý trọng tình cảm và tình yêu thương, sẻ chia giúp đỡ với những người xung quanh. Hay những người nông dân cần cù, chăm chỉ lao động trên những thửa ruộng dù thiếu thốn, vất vả nhưng vẫn luôn giữ được sự trong sáng của tâm hồn. Những người dù hoàn cảnh khó khăn, dù sống trong căn nhà sập xệ nhưng lại luôn giữ ngăn nắp, sạch sẽ.
Bên cạnh những người giữ vừng lập trường, bảo vệ nhân cách của bản thân thì không ít người đã lung lay ý chí, bị lợi ích làm mờ mắt. Nhiều người khi lâm vào hoàn cảnh bế tắc thì quyết làm liều, làm trái với lương tâm và pháp luật đó là trộm cắp, bài bạc để có tiền tiêu. Có những người vì những cám dỗ của tiền tài mà làm tay sai bán nước, vì lợi nhuận mà làm những việc trái với lương tâm. Ngày nay nhất là trong thị trường có rất nhiều thương nhân, người bán hàng vì ham mê lợi ích mà rắp tâm đầu độc đồng bào của mình đó là buôn và làm thực phẩm bẩn, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mọi người. Đây quả thật là những hành vi đáng chê trách và lên án nặng nề. Họ làm việc trái luân thường đạo lý mặc dù được lợi ích nhất thời nhưng chắc chắn lương tâm sẽ bị cắn rứt. Ông cha ta từng nói “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” chính là để căn dặn chúng ta cần phải sống đẹp, sống đúng không nên để hoàn cảnh chi phối và đổ thừa cho hoàn cảnh.
“Đói cho sạch, rách cho thơm” là quan niệm sống mà cúng ta cần trân trọng và giữ gìn nhất là với giới trẻ chúng ta cần có lập trường và định hướng cho bản thân để không sa ngã và bị lôi kéo mà đánh mất đi bản chất tốt đẹp của mình. Có như vậy chúng ta mới cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, được mọi người yêu quý.
Mai Du