Phân tích bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ
Bài làm
Thế Lữ là một nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới. Tác phẩm tiêu biết nhất của ông chính là bài thơ Nhớ Rừng. Qua bài thơ ta thấy được sự điêu luyện, phóng khoáng và già dặn của tác giả và tình yêu nước thầm kín.
Bài thơ có điểm đặc biệt đó chính là mượn lời con hổ trong cũi sắt của vườn bách thú và nhớ về lúc còn ở với rừng xanh. Mở đầu bài thơ chính là những dòng giới thiệu về hoàn cảnh hiện tại của con hổ:
“Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua”
Tác giả sử dụng từ “gặm” chứ không phải là “ngậm” để bày tỏ tâm trạng đang tự gặm nhấm, nhấm nháp nỗi căm hờn của chính mình. Khối căm hờn nghĩa là sự căm hờn quá lớn lao, vẫn còn nguyên vẹn và không thể tiêu tan đi được. Con hổ ở tư thế “nằm dài” giống như không muốn động đậy, không muốn làm gì hết. Một hình ảnh khiến ta thấy được ngao ngán, bất lực của con hổ chứ chẳng thấy một chúa tể sơn lâm uy nghi, lẫm liệt nữa.
“Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ
Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm”
Chúng ta có thể mường tượng ra cảnh con hồ trong chuồng sắt, ngày ngày bị người ta xem xét, chỉ trỏ. Thậm chí là còn bị cười đùa, giễu cợt, trở thành thú vui tiêu khiển cho loài người nó vốn xem là nhỏ bé. Dù bị bắt và nhốt trong cũi nhưng nó vẫn giữ được nét uy nghi riêng nào đó khi coi những người đi thăm sở thú chỉ là những kẻ ngạo mạn, ngẩn ngơ. Nó tự nhận thức được hoàn cảnh của bản thân nên càng thêm chán nản. Không chỉ bị giam hãm, bị trở thành thứ đồ chơi mà còn phải gần với bọn “gấu dở hơi”, “cặp báo vô tư lự”. Lúc ấy con hổ chỉ biết nghĩ về những kỷ niệm của bản thân khi con được tự do:
“Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa
Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn thét núi”
Không chỉ vậy, những ký ức khôn nguôi còn càng như dòng thác lũ ùa về. Ngoài những cảnh vật thì còn cả những tư thế oai hùng mà nó từng có:
“Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc
Trong hang tối, mắt thần khi đã quoắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi
Ta biết ta chúa tể của muôn loài
Giữa chốn thảo hoa, không tên, không tuổi”
Khi ấy từng bước chân, từng ánh mắt đều là tư thế oai nghiêm, hùng dũng, đều khiến cho mọi loài khác e sợ, im hơi lặng tiếng. Có thể thấy được đó chính là quá khứ vàng son, huy hoàng của chúa tể rừng xanh.
Lúc này đây con hổ như chìm đắm vào hồi ức tươi đẹp của mình. Đó là những ký ức khi con hổ làm chúa tể sơn lâm của cả một vùng và như được thốt ra thành những lời than:
“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Để cuối cùng, Hổ đã phải thốt lên rằng
Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu?”
Những điệu ngữ xuất hiện nối tiếp nhau giống như những ký ức ồ ạt trở về. Tất cả thể hiện tình yêu, nỗi nhớ của chúa tể rừng thiêng nay sa cơ, lỡ vận tiếc nhớ về một thời nay đã trở thành dĩ vãng. Nỗi nhớ tiếc ấy thêm cả nỗi đau khi bị tước đoạt đi tự do, tước đoạt cả danh vọng. Tác giả Thế Lữ đã sử dụng những vần thơ rất giàu hình tượng, giàu chất nhạc để bày tỏ cảm xúc của con hổ cũng như bày tỏ ý nghĩa ẩn dụ sau hình tượng đó. Huy hoàng là vậy, đẹp đẽ là vậy nhưng con hổ lại nhanh chóng trở lại thực tại tối tăm, vô vọng:
“Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng
Dải nước đen giả suốt, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém,
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u”
Niềm uất hận chắc chắn là có, thậm chí là không chỉ một đêm, hai đêm mà đó là cả “ngàn thâu”. Khi trở về với thực tại những cảnh vật được Thế Lữ miêu tả rất ấn tượng và đặc sắc. Khẳng định cảnh vật ở vườn bách thú chỉ là những cảnh giả tạo do con người làm ra và chẳng bao giờ thay đổi. Trước thực tại đó, con hổ chỉ biết thả mình theo giấc mộng ngàn và cất tiếng gọi rừng thiêng với biết bao nỗi niềm bồi hồi, da diết:
“Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!”
Gắn với hoàn cảnh ra đời của bài thơ vào năm 1934 khi nhân dân ta đang chịu bi kịch sống trong xiềng xích nô lệ. Chính vì thế bài thơ Nhớ Rừng càng thêm ý nghĩa về sự khát khao sống, khát khao tự do không chỉ của chúa tể rừng xanh mà còn cả của nhân dân ta.