Đề bài: Phân tích khổ 3 bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ “Quang Dũng”

Bài làm

Có thể nói, chiến tranh và người lính luôn là đề tài muôn thuở trong sáng tác văn chương. Nhiều bài thơ, tiểu thuyết đã vẽ lên bức tranh gian khổ, hiểm nguy của cuộc kháng chiến và qua đó thể hiện hình ảnh oai phong, kiên cường của người lính bộ đội cụ Hồ. Trong số những tác phẩm ấy, “Tây Tiến” của Quang Dũng là một bài thơ tiêu biểu viết về người lính trong kháng chiến chống Pháp với những vẻ đẹp bất khuất và đáng tự hào.

Bài thơ được sáng tác năm 1948 sau thắng lợi vẻ vang của chiến dịch thu đông Việt Bắc thu đông 1947. Tây Tiến là tên của một đội quân chiến đấu được thành lập nhằm phối hợp với bộ đội Lào để bảo vệ biên giới Việt-Lào. Địa bàn hoạt động của đội quân là ở miền tây các tỉnh từ Mai Châu, Hòa Bình xuống Thanh Hóa. Quang Dũng là đại đội trưởng của đội quân ấy. Năm 1947, ông chuyển đơn vị công tác và khi nhớ về đồng đội cũ đã thôi thúc ông viết nên bài thơ “Tây Tiến” nghẹn ngào cảm xúc thân thương.

Bài thơ là một khúc ca vang dội vừa để miêu tả những gian khó mà đoàn quân Tây Tiến phải đối đầu vừa để ngợi ca tinh thần của những người lính dũng cảm. Trong đó, khổ ba được cho là khổ thơ miêu tả rõ ràng và sâu sắc nhất hình ảnh người lính cụ Hồ.

phan tich kho 3 bai tho tay tien - Phân tích khổ 3 bài thơ Tây Tiến

Phân tích khổ 3 bài thơ Tây Tiến

Mở đầu khổ thơ là dáng vẻ bề ngoài khác lạ của đoàn quân.

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá giữ oai hùm

Mới đọc lên chắc hẳn nhiều người thấy khiếp sợ với hình ảnh những cái đầu trọc lốc, không có tóc. Nhìn họ đâu giống anh bộ đội truyền thống. Thoạt đầu, đoàn quân “không mọc tóc” ấy mang đến cho người đọc một sự ghê rợn, xa cách. Tuy nhiên, khi hiểu được ý nghĩa thật sự thì ai cũng phải xót xa và nể phục. Đoàn binh ấy đại đa số thời gian là hoạt động ở trong rừng với điều kiện thiếu thốn và nhiều dịch bệnh. Chính căn bệnh sốt rét nhưng lại không có thuốc chữa đã làm họ bị rụng tóc và chẳng kịp mọc lên. Những mái tóc xanh mượt của những chàng thanh niên đã không còn thay vào đó là cái đầu trọc lóc. Trong kháng chiến, họ đã phải chịu biết bao khó khăn, gian khổ. Hiểu được điều đó, ai cũng phải xót thương và thêm phần yêu quý những anh lính trẻ. Đoàn binh “không mọc tóc” ấy, trong gian khó vẫn hừng hực khí thế và hiên ngang trước đất trời. Bước chân của họ vang dội, lẫm liệt trên mọi nẻo đường. Và trong những tháng ngày ấy, vì thiếu thốn đến tận miếng ăn nên họ gầy đi, xanh xao hơn. Bóng dáng họ hòa cùng màu xanh của núi rừng để tạo nên khí thế oai hùm mạnh mẽ. Nhà thơ dùng hai hình ảnh đối lập hoàn toàn để nói lên sức mạnh và sự oai phong của người lính dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Xem thêm:  Bình giáng bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Khó khăn, gian khổ là thế nhưng tâm hồn người lính vẫn giữ được sự mộng mơ, yêu đời.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Những đôi mắt xa xăm của những chàng lính trẻ được đưa đi rất xa. Họ cùng nhau hướng về biên giới với ước mơ đánh đuổi quân thù, dành lại hòa bình, tự do cho cả nước mình và nước bạn. Đôi mắt ấy trong gian khổ vẫn luôn hướng về Hà Nội, về quê hương của mình. Chính gia đình đã trở thành điểm tựa, là niềm tin để họ vượt qua tất cả gian nan của chiến tranh mà chiến đấu hết mình vì Tổ quốc, vì quê hương và gia đình. Trong khó khăn, những người lính vẫn lạc quan, yêu đời và vô cùng lãng mạn. Họ mơ về Hà Nội kiều thơm như bóng người thiếu nữ. Họ cũng nhớ về người yêu, về những cô gái dịu hiền ở hậu phương với một niềm hy vọng lớn lao về tươi lai tươi sáng. Người lính Tây Tiến đã dũng cảm và gan góc biết bao nhiêu nhưng sâu thẳm trong họ vẫn là những trái tim lãng mạn và khát khao yêu đương nồng cháy.

Trong chiến tranh đã có biết bao người ngã xuống.

Rải rác biên cương mồ viễn sứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Trên con đường hành quân đã có bao nhiêu người ngã xuống vì bom đạn và vì cả bệnh tật, sốt rét. Chặng đường hành quân ấy, người lính đã gặp phải biết bao nấm mồ không tên, không tuổi. Đó là nỗi đau, là sự mất mát vô cùng lớn của cả dân tộc. Thế nhưng dường như người lính bước qua những nấm mồ “hoang” trong một tâm thế lạnh lùng và mạnh mẽ hơn. Không phải họ có sự xót thương mà có lẽ trng họ đã xác định sẵn rằng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào nên họ sẵn sàng chấp nhận những sự thật tàn khốc nhất. Họ không còn sợ hiểm nguy, bom đạn, cũng chẳng còn tiếc mạng sống của chính mình. Trong họ chỉ trào lên một tinh thần chiến đấu quật cường, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Xem thêm:  Nghị luận: Suy nghĩ của em về câu nói của Marilin Vossavant ''Bị đánh bại chỉ là tình trạng nhất thời, bỏ cuộc mới là sự thất bại vĩnh viễn''

Hai câu thơ cuối đoạn ba của bài “Tây Tiến” là những hình ảnh xót xa và đầy thương cảm.

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Giữa lúc cuộc chiến bước vào gian đoạn sục sôi và trong hoàn cảnh khốn khó của chiến tranh, bao nhiêu người lính đã ngã xuống, bỏ lại thân xác nơi chiến trường hiểm ác. Họ đã xả thân vì Tổ quốc, vì hình hài của đất nước được vẹn toàn. Thân xác họ hòa vào với đất, một cái chết cao cả, thiêng liêng. Còn đất ôm lấy họ như những người mẹ dang rộng vòng tay để đón nhận, để chở che. Cái chết bi thương ấy như ám ảnh vào lòng người một sự xót xa vô bờ. Đến nỗi, thiên nhiên cũng phải “gầm” lên một tiếng kêu vang dội cho sự ra đi oanh liệt.

Như vậy, chỉ với mấy câu thơ ngắn ngủi của đoạn ba trong bài thơ “Tây Tiến” nhưng cũng đủ để Quang Dũng không chỉ vẽ lại sự gian nan, vất vả của chiến tranh mà còn thể hiện rõ ràng tinh thần quyết thắng và oai phong của những chàng lính trẻ. Đoạn thơ sẽ vang vọng mãi trong lòng người đọc với sự xót thương và tự hào không nguôi về tinh thần quật cường của người chiến sĩ trong kháng chiến chống Pháp.

Seen

Bài viết liên quan

Xem thêm:  Nêu ngắn gọn tiểu sử về Hồ Chí Minh